Quốc quân Đại Hàn Dân quốc

Quốc quân Đại Hàn Dân quốc (Hangul: 대한민국 국군; Hanja: 大韓民國 國軍, âm Triều Tiên: Daehan Minguk Gukgun) hay Quân đội Hàn Quốc là lực lượng vũ trang của Hàn Quốc. Cùng với lực lượng dự bị của Hàn Quốc (대한민국 향토예비군; 大韓民國 鄕土豫備軍, Đại Hàn Dân quốc Hương thổ Dự bị quân), quân đội Hàn Quốc bao gồm các nhánh sau: Lục quân Đại Hàn Dân quốc (대한민국 육군; 大韓民國陸軍; Daehanminguk Yukgun) Hải quân Đại Hàn Dân quốc (대한민국 해군; 大韓民國海軍; Daehanminguk Haegun) Hải binh đội Đại Hàn Dân quốc (대한민국 해병대; 大韓民國海兵隊; Daehanminguk Haebyeongdae), tức lực lượng thủy quân lục chiến Không quân Đại Hàn Dân quốc (대한민국 공군; 大韓民國空軍; Daehanminguk Gonggun) Được thành lập từ năm 1948, sau sự chia cắt của Triều Tiên bởi lực lượng của Liên Xô và của Hoa Kỳ, Lực lượng vũ trang của Hàn Quốc là một trong những lực lượng quân sự mạnh, nếu tính đến lực lượng gián tiếp phục vụ cho quân đội, tổng số quân của Hàn Quốc năm 2006 là 5.187.000 (687.000 phục vụ trực tiếp và 4.500.000 dự bị).[1] Quân đội Hàn quốc vừa có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đồng thời cũng thường xuyên làm nhiệm vụ nhân đạo và cứu trợ thiên tai trên khắp đất nước. Gần đây, quân đội Hàn Quốc cũng đã bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các công việc của quốc tế, đảm nhận vai trò và trách nhiệm của một đất nước có tiềm lực kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới tính theo GDP. Quân đội Hàn Quốc đã tham gia vào nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình từ Châu Phi tới Đông Timor và gần đây là Iraq và Afghanistan. Quân đội Hàn Quốc là lực lượng thô sơ khi xảy ra Chiến tranh Triều Tiên. Nó bị thiệt hại nặng bởi các cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc và lúc đầu dựa hầu hết vào các viện trợ của người Mỹ, từ vũ khí, đạn dược đến công nghệ. Trong suốt thời kỳ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc, quân đội cũng được phát triển, mở rộng. Các lỗ lực hiện đại hóa cho quân đội đã được tiến hành từ những năm 1980. Theo tuyên bố của website GlobalSecurity.org: "trong năm 1990, nền công nghiệp Hàn Quốc cung cấp tới 70% các vũ khí, đạn dược, phương tiện truyền thông các trang thiết bị, máy móc, quần áo và những vật dụng cần thiết cho quân đội". Quân đội Hàn Quốc có ngân sách quốc phòng rất lớn, luôn đứng trong danh sách các nước dẫn đầu. Khả năng của nó cũng bao gồm cả sự kết hợp các hệ thống vũ khí trang bị của Hoa Kỳ và Châu Âu, được hoàn thiện hơn bởi các tiến bộ về công nghệ trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng. Ví dụ, bằng việc đưa vào các tiến bộ về ngành công nghiệp đóng tàu hạng nặng của các địa phương, hải quân Hàn quốc đã lên một kế hoạch hiện đại hóa hải quân với tham vọng trở thành một nước có lực lượng hải quân hoạt động ở vùng nước sâu trong năm 2020. Hàn Quốc tham gia liên minh quân sự với Hoa Kỳ theo hiệp ước bảo vệ lẫn nhau được ký sau khi nổ ra chiến tranh Triều Tiên. Trong chiến tranh Việt Nam, thủy quân lục chiến Hàn Quốc cũng tham gia chiến đấu cùng với Hoa Kỳ. Theo thống kê của Cơ quan Quản lý Chương trình Thu mua quốc phòng Hàn Quốc hôm 29/12/2008, lần đầu tiên doanh thu xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc vượt ngưỡng 1 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa với việc Hàn Quốc sẽ sớm trở thành một trong 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Khách hàng chủ yếu của Hàn Quốc là những quốc gia thuộc khu vực Trung Đông và đồng minh của Mỹ và họ chủ yếu mua súng tự động, máy bay và tàu hải quân. Được biết, Hàn Quốc đã và đang tăng cường việc bán vũ khí cho các quốc gia đang phát triển tại châu Phi và Mỹ Latinh với hy vọng đạt con số 3 tỉ USD vào năm 2012. Vào thời điểm này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hy vọng sẽ xuất khẩu xe tăng K-2 (thế hệ mới) và máy bay huấn luyện siêu âm T/A 50 - sản phẩm hợp tác giữa Hàn Quốc với Mỹ. Giới chuyên môn nhận định, hệ thống vũ khí của Hàn Quốc được cải thiện cũng đồng nghĩa với việc tăng cơ hội xuất khẩu vũ khí của nước này. Giới quân sự cho rằng, việc gia tăng tiềm lực quân sự, cải thiện công nghệ vũ khí cũng như nghiên cứu chế tạo và hợp tác sản xuất vũ khí của Hàn Quốc chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chống lại những đe dọa từ bên ngoài, nhất là CHDCND Triều Tiên. Giới truyền thông tiết lộ, ngay từ đầu năm 2005, Hàn Quốc đã áp dụng kế hoạch “đổi nợ lấy vũ khí của Nga”. Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Yoon Kwang-ung từng tiết lộ, thượng tuần tháng 4/2005 các nhà đàm phán Hàn Quốc đã đề nghị Nga chia sẻ kho vũ khí tân tiến, đặc biệt là hệ thống tên lửa chống máy bay. Đổi lại, Hàn Quốc xóa các khoản nợ quá hạn từ thời Liên Xô trước đây. Theo đó, Nga sẽ chuyển các loại vũ khí hiện đại trị giá 214 triệu USD, trong đó có xe tăng T-80, tên lửa chống tăng METIS-M và xe quân sự BMP-3 cho Hàn Quốc. Được biết, Hàn Quốc từng cho Liên Xô vay 1,47 tỉ USD cùng một lượng hàng trị giá 470 triệu USD. Ngoài ra, Hàn Quốc còn có kế hoạch mua một số loại vũ khí tiên tiến của Nga như trực thăng KA-32 và máy bay IL-103 với tổng trị giá 530 triệu USD.

Đăng nhận xét